Bài viết này dành cho những bạn chuẩn bị lấy chồng và định cư ở Hà Lan, chưa từng đến Hà Lan bao giờ hoặc đã đến một vài lần du lịch và chưa biết gì về mọi quy tắc thủ tục để làm visa định cư …

Sau một thời gian tìm hiểu nhau và cảm thấy muốn tiến đến một bước quan trọng là theo chàng về dinh thì bạn cần hình dung chặng đường sắp tới sẽ đi như thế nào để tránh những bỡ ngỡ đáng tiếc.

1/ Tìm hiểu thủ tục visa định cư:

  • Trang web chính thức về visa định cư : www.ind.nl  ( IND là viết tắt của “Immigratie- en Naturalisatiedienst” nghĩa là cơ quan chuyên phụ trách các vấn đề nhập cư – nhập quốc tịch)
  • Bạn có thể làm visa định cư tại Hà Lan theo dạng kết hôn hoặc dạng partner (Lưu ý: việc bạn kết hôn hay chưa kết hôn ko ảnh hưởng đến quá trình xin visa, nghĩa là nếu bạn có kết hôn rồi thì vẫn phải làm hồ sơ gần như người chưa kết hôn, chả khác gì nhau cả. )
  • Người bảo lãnh phải có hợp đồng lao động tối thiểu 1 năm hoặc có công ty riêng ít nhất 1 năm rưỡi và thoả mãn số thu nhập tối thiểu theo bộ di trú quy định. (xem bảng bên dưới và đọc thêm ở đây). Lưu ý, sau khi bạn đã nhận được visa thì người bảo lãnh vẫn phải duy trì hợp đồng lao động ít nhất sau 1 năm bạn đã sống tại HL, vì IND sẽ kiểm tra vấn đề này nhằm loại trừ bớt các trường hợp làm giả hồ sơ, nếu họ thấy người bảo lãnh cho bạn không còn đi làm nữa sau khi bảo lãnh bạn sang thì họ sẽ huỷ visa định cư của bạn. Chi phí nộp hồ sơ xin định cư là 233E
  • thu nhập tối thiểu
  • Bạn và người bảo lãnh phải hơn 21 tuổi
  • Bạn phải thi đậu kì thi tiếng Hà Lan A1  (Inburgering in het buitenland). Lệ phí thi là 150E. ( Kì thi này khá là đơn giản nên chỉ cần có đủ giáo trình là có thể tự học được. Nếu cần tư vấn tự học, xem ở đây)
  • Tổng thời gian cho việc bắt đầu học tiếng rồi thi cử và nộp hồ sơ nhanh nhất là 6 tháng.
  • Người bảo lãnh có thể bảo lãnh bạn và con bạn với điều kiện con bạn dưới 18 tuổi và có giấy xác nhận từ bố/mẹ ruột đồng ý cho cháu đi Hà Lan định cư

2/ Gói gém hành lý:

  • Nếu bạn đã đi làm ở VN một thời gian thì nên tìm hiểu Thủ tục lấy bảo hiểm xã hội một lần, thủ tục này khá đơn giản chỉ cần có visa định cư sang Hà Lan và công ty chốt sổ bảo hiểm cho bạn thì bạn có thể nộp hồ sơ lên sở BHXH của tỉnh nơi bạn có đăng kí hộ khẩu thường trú. Nếu sau khi có visa mà bạn chưa đi vội trong vòng 3 tháng thì có thể làm hồ sơ lãnh bảo hiểm thất nghiệp trước rồi hẵng làm BHXH một lần sau
  • Nếu bạn có nhu cầu chuyển đồ đạc sang HL thì cân nhắc bán hết những món hàng điện tử máy móc, vì sang bên  này hàng hoá giá rẻ hơn và lại được bảo hành. Liên lạc với hãng vận chuyển để họ tới nhà đo dạc kích thước và báo giá. Vì bạn đi định cư cho nên hàng hoá mang vào sẽ không bị tính thuế nhập khẩu, tranh thủ cơ hội này bạn có thể mua một số đồ nội thất (kiểu cổ điển truyền thống VN – nếu thích) mang sang. Hồi đó mình chuyển 5,5CBM sang bên này giá tầm 1800E tổng cộng đó, hàng sau 1 tháng là nhận tại nhà
  • Ở VN có thể mua sắm một số quần áo mùa đông ở chợ Nga ( Bến Chương Dương, tpHCM): vài bộ piyama có nỉ bên trong, áo lông ngỗng ( nhẹ mà ấm), giày boot, áo len mặc trong nhà,…Ở HL thì cũng mua được nhưng nếu bạn nhỏ con thì mua hàng việt xuất khẩu cho chắc. Nếu muốn mang gia vị đồ khô thì Tham khảo bài viết này . Nhớ là các loại thịt, vỏ ốc mỹ nghệ thì ko được mang vào Hà Lan, nếu họ kiểm tra sẽ bị phạt vài trăm euro là bình thường
  • Nếu bạn muốn chuyển tiền sang Hà Lan thì có thể qua những cách sau:

Cách 1 : Chuyển khoản chính thống qua ngân hàng, theo mình tham khảo thì Vietcombank chi phí tốt nhất so với những ngân hàng còn lại. Tuy nhiên bạn phải chứng minh nguồn gốc số tiền bạn có  và số tiền đã đóng thuế đầy đủ theo luật VN : hợp đồng lao động, hợp đồng bán nhà, giấy xác nhận nộp thuế vào ngân sách nhà nước… Ngân hàng sẽ chuyển trực tiếp cho tên của bạn chứ không chuyển cho chồng bạn, vì vậy bạn có thể scan passport và nhờ người bảo lãnh ra ngân hàng SNS ở Hà Lan xin mở tài khoản đứng tên bạn ( các ngân hàng khác như Rabobank hay ABN Amro sẽ bắt buộc bạn phải có mặt ở Hà Lan mới cho mở tài khoản ), trong vòng 15 ngày sau khi sang Hà Lan thì bạn ra SNS để xác nhận tài khoản. Phí Vietcombank tầm 11$ + dưới 2{5e42cdd30a8d2d42345a71f09092aca4e3c5c9c840f0148a44b40d4de765e84d} tổng giá trị tiền bạn chuyển

Cách 2: gửi qua Western Union, chỉ được gửi cho chồng, con…theo dạng bảo trợ người nhà. Nếu bạn và người bảo lãnh chưa phải là vợ chồng thì không gửi dạng này được.

Cách 3: Cầm tiền mặt từ Vn sang, mỗi lần tối đa cầm được 100 triệu (~3500E)

Cách 4: Liên lạc với người nào đó ở Hà Lan cần gửi tiền về VN và làm việc riêng với họ. Cách này không đảm bảo gì hết và rủi ro rất cao vì theo mình biết ở Hà Lan thì chưa thấy đường dây nào chuyển tiền của người Việt như kiểu bào ở Mỹ, Pháp, Séc, Úc vẫn làm rầm rầm

3/ Cuộc sống mới

  • Việc đầu tiên khi dến HL là bạn phải đi khám lao phổi theo quy định, lấy thẻ tạm trú (hồ sơ xin visa sẽ xin luôn thẻ tạm trú cho bạn), đăng kí tạm trú tại phường (gemeente) nơi bạn sinh sống và kí hợp đồng bảo hiểm bắt buộc ( chi phí gói bảo hiểm căn bản tầm 100E/ 1 tháng)
  • Trong vòng 3 năm từ ngày có visa định cư, bạn phải hoàn thành tiếp kì thi tiếng Hà Lan A2 (Het inburgeringsexamen). Từ năm 2014 trở đi thì người nhập cư phải tự trả tiền học chứ không được miễn phí nữa. Giá một khoá học tầm 3000euro – 6000 euro tuỳ trường, tuỳ số lượng tiết học. Nếu bạn thấy chi phí này quá mắc, thì có thể cân nhắc tự học. Tự học bắt đầu như thế nào, xem ở đây . Tiếng Hà Lan chia làm những cấp độ sau: A1, A2, B1 ( đủ để học nghề), B2 ( đủ để học đại học), C1, C2
  • Công việc làm ở Hà Lan: nếu ở VN bạn làm lao động tay chân thì sang đây chỉ cần học tiếng xong B1 là đủ để kiếm việc làm. Nếu bạn muốn làm công việc văn phòng thì cần có B2, và cân nhắc học lại một chuyên môn nào đó thực tế. Nếu ở VN bạn nói tiếng Anh tốt, có kinh nghiệm về các ngành nghề liên quan đến kỹ thuật, IT, kỹ sư, điện máy, cơ khí…thì sang bên này cơ hội kiếm việc rất khả thi, còn nếu chuyên ngành của bạn thuộc mảng kinh tế kế toán tài chính marketing thì tình hình khá căng. Suy cho cùng, cần phải nói được tiếng Hà Lan thành thạo để tiếp cận thị trường lao động ở đây. Một điều cần nhấn mạnh cho bạn rõ là Hà Lan là xã hội của bằng cấp, làm cái gì cũng cần có diploma hết, ngay cả dọn vệ sinh công sở, giặt ủi quần áo hoặc làm nail, trừ khi bạn làm chui thì ko cần mà thôi. (nếu làm chui mà bị phát hiện thì thuế phạt 300{5e42cdd30a8d2d42345a71f09092aca4e3c5c9c840f0148a44b40d4de765e84d} số thuế phải đóng)
  • Nếu bạn muốn tìm công việc chỉ yêu cầu nói tiếng Anh thì có thể thử một số trang web như: Undutchables, Togetherabroad, Adam, I am expat….. Có một thực tế là, họ có nhiều việc không đòi hỏi tiếng Hà Lan, thế nhưng họ lại yêu cầu bạn nói thêm một thứ tiếng châu Âu khác: Đức, Pháp, TBNha, Ý, Ba Lan….chứ không thấy ai yêu cầu tiếng Anh và tiếng Việt cả.
  • Học lái xe: nhiều người cho rằng cái kỹ năng này không cần thiết, tuy nhiên mình thì cho rằng cái này quan trọng. Thứ nhất là bạn chủ động đi lại, thứ hai là thời tiết ở đây hay mưa và lạnh, nếu không có xe hơi thật là vất vả…Nếu bạn đã lái ở VN rồi thì sang này chỉ cần học tầm 20 giờ là có thể quen luật ở đây, còn nếu chưa lái bao giờ thì học từ 30-40 giờ. Giá trung bình cho cái bằng lái xe dao động từ 2500euro-5000 euro. Phải nhấn mạnh thêm là bằng lái xe ở đây họ cho rớt như sung, nhiều người rớt vì những lỗi rất nhỏ nhặt, nhiều người thi đến 4, 5 lần mà vẫn chưa đậu.

4/ Cuộc sống có màu hồng hay không? 

  • Khi bạn còn ở VN, thông tin về Hà Lan rất hạn hẹp, chỉ là những cánh đồng tulip trải dài dưới cối xay gió, những dòng sông xanh mát chạy dọc ven sông, những chú bò gặm cỏ nghoe nguẩy đuôi. Phải công nhận rằng hệ thống giao thông tuyệt vời hơn nước ta nhiều lần, môi trường thì trong lành sạch sẽ, giáo dục mở rộng nhiều ngành nghề, y tế phổ cập trong dân chúng. Đây chính là màu hồng mà chúng ta theo đuổi, chẳng có gì sai cả, chỉ có điều ở Hà Lan còn có nhiều mảng màu khác nữa, cũng thăng trầm không kém VN đâu
  • Mặt bạn sẽ xám xịt khi nhận bill tiền chạy xe trái phép (chỉ chạy hơn 5km đã cặm cụi đóng phạt 70E rồi), đổ rác sai quy định, đậu xe quá giờ, hoặc đi tàu điện quên quẹt thẻ check-out. Chưa kể tiền đi làm đóng thuế cũng xịt khói, ngoại trừ hàng thực phẩm được hưởng thuế VAT 6{5e42cdd30a8d2d42345a71f09092aca4e3c5c9c840f0148a44b40d4de765e84d}, các mặt hàng khác sẽ phải đóng 21{5e42cdd30a8d2d42345a71f09092aca4e3c5c9c840f0148a44b40d4de765e84d} tiền thuế VAT. Mỗi cá nhân chỉ được có 25.000Euro tiết kiệm trong tài khoản, số tiền dôi ra sẽ bị đóng thuế tiết kiệm. Bạn có căn nhà thứ 2 cho thuê, cũng phải đóng thuế cho tài sản dôi ra này. Bạn được nhận tiền thừa kế, cũng phải đóng thuế thừa kế. Bạn có thu nhập phát sinh ở nước ngoài khi sống ở Hà Lan, cũng phải đóng thuế nối.
  • Chi phí đi lại đắt đỏ vô cùng, đi tàu điện tầm 1 tiếng rưỡi sẽ trả 34Eur 2 chiều vé, ( đương nhiên bạn nên mua các loại thẻ giảm giá để tiết kiệm hơn một chút), ngồi trên xe bus tâm 15 phút cũng phải trả 3-4E cho một chiều vé.
  • Xã hội ngày càng phức tạp do dân nhập cư Hồi giáo từ các nước Trung Đông tràn qua.
  • Không đi xe hơi ư, vậy đi xe đạp sẽ chịu đựng những cơn mưa mùa đông lạnh tê tái cõi lòng. 🙂
  • Thử bài toán chi phí nhé, giả sử partner của bạn thu nhập trước thuế một năm là 40.000E ( đây là con số trung bình ở đây, con số này gọi là cao so với mặt bằng chung rồi đó). Sau thuế thì người này sẽ còn khoảng 28.000E, nghĩa là 2.300E một tháng.  ( Tham khảo Ứng dụng tính nhanh thuế phải đóng) Chi phí phải trả hàng tháng như sau::

                   Thuê nhà (hoặc trả góp mua nhà) + điện + nước + gas : 700E

                   Ăn uống ( tự nấu, ăn uống tiết kiệm) : 400E

                   Xe ( xăng nhớt, bảo hiểm, thuế …)      :  500E

                   Bảo hiểm sức khoẻ bắt buộc ( 2 người): 250E

                   Tiền rác, thuế đóng cho phường: 25E

                    Các loại phí linh tinh khác ( sinh nhật bạn bè, uống cà phê, giải trí…): 100E

——————————————————————————

                  Tổng chi phí: 1975E

                  Số tiền còn lại : 325E ( gọi là tiền dư ra, nếu bạn có con thì phải trả tiền bỉm sữa các kiểu, chính phủ cũng hỗ trợ một ít nhưng không đáng kể, tiền gửi trẻ (tầm 700E cho 12 buổi trong tháng), tiền đi du lịch vòng vòng châu âu…)–> coi như cuối tháng không còn xu nào để dành luôn, chưa kể phải trả cả tiền học cho bạn.


Như vậy thì tổng chi phí cho 3 năm đầu bạn sống ở Hà Lan ( giả sử bạn tham gia các khoá học từ A1, A2, lái xe, mua vé máy bay sang HL, bảo hiểm sức khoẻ hàng năm…) là tầm 10.000E – 15000E (chi phí này ko bao gồm tiền ăn ở sinh hoạt hàng ngày nhé, tiền mua vé về thăm quê hương…). Nếu bạn tự học được A1, A2 thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền đó. Để tự học hiệu quả, xem mình tư vấn ở đây.

Đây là bài viết theo kinh nghiệm cá nhân của tác giả. Nếu bạn có câu hỏi hoặc ý gì bổ sung  thì comment bên dưới nhé