Làm sao để đi thi không còn run nữa?
Khẳng định với bạn là không ai mà không biết cảm giác run là gì, tôi cũng vậy thôi. Thời còn đi học thì trước khi đi thi tâm trạng hay bồn chồn lo lắng, biếng ăn mất ngủ, hay có nhu cầu đi toilet, nhất là mấy kì thi tốt nghiệp phổ thông hoặc thi đại học thì còn hãi hơn nữa. Sau này khi đi làm thì lại run khi đi phỏng vấn, toát mồ hồi ấy chứ. Ai mà chẳng trải qua những lúc như vậy
Tôi tham gia khá nhiều cuộc phỏng vấn trong 10 năm đi làm của mình, nhiều đến nỗi tôi không buồn đếm nữa, chỉ biết là các công ty về hàng tiêu dùng ở HCM tôi đều nhẵn mặt. Kết quả là đậu có, rớt có, có khi theo đến vòng cuối cùng bị loại ra… Sau nhiều lần như thế thì tôi chẳng còn run nữa…có lẽ phải chờ đợi hồi hộp xin người khác một cơ hội cho mình đã không còn là động lực của tôi nữa. Nói thẳng là, tôi không quan tâm đến chuyển đậu hay rớt, đậu thì tốt thôi, có công việc, còn không đậu ư, lại tiếp tục đi phỏng vấn tiếp. Đến thời điểm đó thì đi phỏng vấn là một trò chơi thú vị và tôi chẳng còn run nữa.
Tôi nhận ra rằng, công ty phỏng vấn cần tìm người có năng lực chuyên môn để đảm đương một vị trí nào đó, nếu tôi có thể đáp ứng những gì họ cần, và tôi thích môi trường làm việc ở nơi đó thì hai bên có thể gặp nhau và cùng bắt tay hợp tác với nhau.
Tôi không ở thế đi “xin” việc nữa, mà tôi ở vị thế là “ tôi có kỹ năng a,b,c” và quý công ty cần người có kỹ năng này, vì vậy chúng ta có thể hợp tác với nhau, và bây giờ hãy bàn đến chuyện con số.Còn nếu quý công ty cần x,y,z thì tôi không có, tôi không đáp ứng được nên chúng ta không thể ngồi cùng bàn với nhau rồi. Khi đi phỏng vấn tôi không ở tâm trạng “đậu” hay “rớt” nữa mà là tâm trạng của người bình thản đi tìm một cơ hội để được cống hiến.
Công việc cho tôi cơ hội phỏng vấn người khác cũng nhiều, nhiều đến nỗi tôi có thể đọc được khá nhiều cảm xúc của ứng viên đến phỏng vấn ngay trước khi họ cất tiếng nói, tất cả mọi thông tin đều thể hiện trên mặt họ, trên cách họ thở, cách họ đi vào phòng….Đương nhiên tôi cần tuyển vào những ai tự tin, biết mình muốn gì, cần gì chứ tôi không nhận những người quá hồi hộp, quá run, vì họ thường trình bày không lưu loát và họ cũng không rõ thực sự họ muốn gì. Vì đây là nơi làm việc, không còn là trường học để dẫn dắt sinh viên ngay từ đầu nữa.
Tôi cũng từng đi dạy, tôi không thích cho sinh viên làm bài thi giấy theo kiểu truyền thống nữa, tôi luôn chọn cách ra đề thi nhóm, các bạn có đủ thời gian để chuẩn bị bài và thuyết trình vào ngày thi. Tôi chấm điểm đầu tiên dựa vào sự nỗ lực cố gắng của các bạn, dựa vào khả năng thuyết trình và sau cùng mới nói đến vấn đề bạn trình bày.
Vậy làm sao để đừng run nữa?
Vậy thì hãy xét về mục đích của bạn, mục đích của bạn khi học tiếng Hà lan là để thi đậu và để có quốc tịch Hà Lan đúng không? Nếu vậy thì tôi cá là bạn sẽ run. Vì chuyện “đậu” và “rớt” sẽ trở nên vô cùng quan trọng với bạn. Chưa kể nếu bạn trả chi phí để học một khoá luyện thi thì áp lực phải thi “đậu” lớn vô cùng, phải vậy không ?
Vậy tôi hỏi bạn tiếp, bạn thi “đậu” rồi thì làm gì nữa? Có phải thi xong thì chia tay luôn sách vở như chúng ta đã từng làm thời đi học? Có phải thi xong tập 1 thì hướng đến tập 2, rồi tập 3…và thở dài ngao ngán? Có bao giờ bạn tự hỏi là rút cuộc thì học cho lắm vào rồi để làm gì hay không? bạn không cần phải trả lời cho tôi, hãy trả lời câu hỏi này thành thật với chính bản thân mình
Như tôi đã nói ở trên, đến chừng nào mà bạn cho rằng chuyện đậu hay rớt là quan trọng thì chừng đó bạn còn run dài dài.
Mục đích của tôi học tiếng Hà Lan không phải để đi thi mà để thật sự sử dụng được nó ( thế cho nên đậu hay rớt đối với tôi không quan trọng). Mặc dù người HL nói tiếng Anh khá tốt và tôi hoàn toàn có thể sử dụng tiếng Anh, tuy nhiên nhập gia tuỳ tục, mình mãi mãi đứng bên ngoài nếu mình không tham gia vào vòng tròn của họ. Tôi sẽ còn học cho đến khi nào tôi chưa sử dụng nó thành thạo.
- Tôi học tiếng để có thể đi chợ, khi tôi tìm món hàng gì đó không thấy, tôi có thể hỏi người bán nó nằm ở đâu? Và tôi hiểu người bán hàng nói cái gì?
- Tôi học tiếng để có thể xem ti vi, xem phim nói tiếng Pháp, phụ đề tiếng HL và có thể hiểu được bộ phim
- Tôi học tiếng để có nói chuyện với mấy bạn nhỏ trong gia đình vì mấy bạn chưa nói tiếng Anh được
- Tôi học tiếng để có thể tham gia vào các câu lạc bộ theo sở thích ở địa phương. Không đâu như ở Hà Lan này, cơ hội được làm gì đó theo sở thích lại rộng mở như vậy. Cho tới nay tôi tham gia 3 hội: hội vẽ, hội làm vườn, và hội khám phá thiên nhiên. Những người Hà Lan tôi quen, mỗi người ít nhất cũng tham gia 2,3 hội là bình thường
- Tôi học tiếng để có thể nói chuyện với hàng xóm xung quanh tôi, để có thể tán hưu tán vượn về thời tiết, về giá cả, về chuyện thời sự
- Tôi học tiếng để có thể mượn sách ở thư viện về đọc, nguồn sách ở thư viện phong phú vô cùng mà sách nào cũng hình ảnh lộng lẫy, trang giấy cứng cáp cả. ( Ở Vn thì gía sách đẹp như vậy mắc trên trời, muốn đọc chỉ có nước bỏ tiền ra mua chứ chẳng có thư viện mà mượn)
- Tôi học tiếng để có thể giúp người khác, có những người già cần người đến nói chuyện với mình để khuây khoả, tôi có thể làm được điều này.
- Sau cùng mục đích tôi học tiếng để giao thương buôn bán với người bản xứ.
Sau một thời gian, tôi cũng phải đi thi như bất kì ai. Tôi mất 1 tháng để xem kì thi này họ yêu cầu cái gì, thi những môn gì và kiếm tài liệu để ôn luyện. Tôi đi thi mà chả thấy run nữa, vì những gì kì thi yêu cầu quá đơn giản, đơn giản hơn nhiều so với những gì tôi đã trải qua. Phải kể đến rằng, tôi chẳng tham gia một khoá học nào chính thống ở trường cả, những người tôi gặp và nói chuyện dạy tôi còn thú vị hơn những gì sách vở dạy nhiều.
Cho tới giờ thì tôi vẫn đi trên con đường này một mình, đường đi khá rộng mà vẫn chưa có ai có mục đích như tôi để đi cùng :).
Vậy, nếu bạn còn run, nghĩa là bạn chưa nắm chắc kiến thức, vậy bạn cần đặt câu hỏi, mục đích thật sự của bạn học tiếng Hà Lan để làm gì ?
———-
Bài viết này dựa trên quan điểm cá nhân, đúng/sai không quan trọng, quan trọng là mỗi người chúng ta đều có quyền lựa chọn quan điểm sống cho mình. De beslissing blijft bij jou: doe je het wel of doe je het niet.
Chúc bạn thành công trên con đường hội nhập
Leave a Reply